8 ngày sau khi công bố 32 sách giáo khoa được phê duyệt, ngày 30/11 Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục dựa trên Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó cơ sở giáo dục có quyền thành lập hội đồng và lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.
Hội đồng do người đứng đầu trường học thành lập, gồm: Chủ tịch là người đứng đầu trường học, phó chủ tịch là cấp phó người đứng đầu hoặc tổ trưởng chuyên môn, thư ký là tổ trưởng chuyên môn, ủy viên là tổ trưởng chuyên môn, giáo viên và phụ huynh. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập một hội đồng, đối với trường có nhiều cấp (liên cấp), mỗi cấp có một hội đồng.
Số lượng thành viên của hội đồng là lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó ít nhất 2/3 là giáo viên và những người có chuyên môn. Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa không được tham gia hội đồng chọn sách.
Hội đồng sẽ lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sách giáo khoa được chọn phải có trên 50% phiếu bầu, sau đó thông báo kết quả trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng.
Sách giáo khoa được lựa chọn phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và mỗi môn học chỉ được dùng một sách. Việc chọn sách giáo khoa cần phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy, học tại cơ sở giáo dục.
Các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát và kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý, sau đó tổng hợp và báo cáo công khai kết quả.
Dự thảo được lấy ý kiến từ hôm nay đến 30/1/2020.
Sách Toán lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng |
Trước đó chiều 22/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau hai vòng thẩm định, 38 trên 49 bản thảo của chín môn sách giáo khoa lớp 1 đáp ứng đủ 13 tiêu chí theo Thông tư 33, 11 bản thảo sáu môn “Không đạt”. Ngày 21/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của tám môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do là môn tự chọn.
Trong 32 cuốn sách, có năm cuốn Tiếng Việt, năm cuốn Toán, năm cuốn Đạo đức, ba Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, năm Âm nhạc, năm Mỹ thuật và ba cuốn Hoạt động trải nghiệm.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách, được phê duyệt. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh.
Thanh Hằng